Toàn bộ kiến thức về đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm

Giới thiệu

Trong thế giới kinh doanh cạnh tranh ngày nay, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và xây dựng giá trị thương hiệu trở thành một yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Một trong những công cụ hiệu quả để thực hiện việc này là đăng ký nhãn hiệu. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về quy trình đăng ký nhãn hiệu và lợi ích mà việc đăng ký nhãn hiệu mang lại.

Đăng ký nhãn hiệu là gì?

Có thể hiểu đơn giản rằng, đăng ký nhãn hiệu là một thủ tục mà cá nhân, tổ chức cần thực hiện để xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đó.

Theo khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ, việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối nhãn hiệu được thể hiện thông qua quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trừ trường hợp nhãn hiệu đó là nhãn hiệu nổi tiếng.

Việc đăng ký nhãn hiệu không phải là yêu cầu bắt buộc mà là quyền lợi nên tổ chức, cá nhân có thể đăng ký hoặc không.

Ai có quyền đăng ký nhãn hiệu?

Căn cứ Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ, các cá nhân, tổ chức sau đây sẽ có quyền đăng ký nhãn hiệu: 

1. Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.

2. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.

3. Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

4. Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

5. Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện sau đây:

a) Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh;

b) Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ.

6. Người có quyền đăng ký quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này, kể cả người đã nộp đơn đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật với điều kiện các tổ chức, cá nhân được chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký tương ứng.

7. Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.

Tại sao cần thiết phải đăng ký nhãn hiệu?

Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là điều cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tránh trường hợp tên tuổi bị sao chép, bắt chước kiểu dáng, mẫu mã làm tổn hại đến kinh tế và giá trị thương hiệu. Dưới đây là một số lợi ích khi đăng ký nhãn hiệu:

(1) - Xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu

Doanh nghiệp sẽ được pháp luật bảo hộ đối với quyền sử dụng nhãn hiệu khi đăng ký nhãn hiệu thành công và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

(2) - Bảo vệ nhãn hiệu khỏi hành vi xâm phạm của tổ chức, cá nhân khác

Theo quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ, các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;

b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

(3) - Tăng độ nhận diện nhãn hiệu với khách hàng

Khi nhãn hiệu đăng ký bảo hộ được công bố, một bộ phận lớn khách hàng sẽ biết đến và tiếp cận với nhãn hiệu. Nhờ đó, khách hàng có thể nhận diện được nhãn hiệu của doanh nghiệp với những nhãn hiệu của cá nhân, tổ chức khác.

(4) - Khai thác các lợi ích thương mại từ nhãn hiệu được bảo hộ

Lợi ích thương mại từ nhãn hiệu được bảo hộ như sau: Sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm, dịch vụ của mình; chuyển giao quyền sử dụng, quyền sở hữu nhãn hiệu... Cá nhân, tổ chức khác chỉ được sử dụng nhãn hiệu đó khi có sự cho phép của doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu.

Các loại nhãn hiệu, thương hiệu có thể đăng ký bảo hộ tại Việt Nam?

Theo luật sửa đổi bổ sung của Luật Trí Tuệ năm 2022 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/10/2023 thì các loại nhãn hiệu sau có thể nộp đơn đăng ký cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam

  • Nhãn hiệu dưới dạng chữ, từ

  • Nhãn hiệu hình ảnh (Logo)

  • Nhãn hiệu hình ba chiều

  • Nhãn hiệu âm thanh

  • Nhãn hiệu kết hợp các yếu tố trên.

Thành phần hồ sơ đăng ký nhãn hiệu

Hồ sơ cần chuẩn bị trước khi tiến hành đăng ký nhãn hiệu bao gồm:

(a) Tài liệu tối thiểu

  • 02 tờ khai đăng ký nhãn hiệu;

  • 08 mẫu nhãn hiệu;

  • Chứng từ nộp phí, lệ phí;

  • Tài liệu khác (nếu có).

(b) Tài liệu khác

  • Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp.

  • Tài liệu kèm theo (nếu có).

Hình thức nộp đơn

Cá nhân hoặc chủ doanh nghiệp có thể lựa chọn các hình thức sau đây để tiến hành nộp đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ:

– Nộp đơn giấy

– Nộp đơn trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến

– Nộp đơn thông qua các bên Đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ

Nộp đơn giấy

Người nộp đơn có thể nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ chuyển phát nhanh trong nước đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ:

– Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.

– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP.  Đà Nẵng.

Nộp đơn trực tuyến

– Điều kiện để nộp đơn trực tuyến: Người nộp đơn cần có chứng thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký.

– Trình tự nộp đơn trực tuyến 

  • Thực hiện khai báo và gửi đơn đăng ký nhãn hiệu trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ.

  • Sau khi hoàn thành, hệ thống sẽ gửi lại cho người nộp đơn Phiếu xác nhận nộp tài liệu trực tuyến.

  • Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày gửi đơn, người nộp đơn phải đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ để xuất trình Phiếu xác nhận tài liệu nộp trực tuyến và tài liệu kèm theo (nếu có); nộp phí/lệ phí theo quy định. 

  • Nếu tài liệu và phí/lệ phí đầy đủ theo quy định, cán bộ nhận đơn sẽ thực hiện việc cấp số đơn vào Tờ khai trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến. 

  • Trường hợp không đủ tài liệu và phí/lệ phí theo quy định thì đơn sẽ bị hủy và thông báo hủy tài liệu trực tuyến được gửi trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến.

Hình thức nộp đơn thông qua Đại diện Sở hữu công nghiệp

Với hình thức này, Chủ đơn sẽ ủy quyền cho bên Đại diện Sở hữu công nghiệp tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu và thực hiện các thủ tục liên quan.

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam

Bước 1: Nộp hồ sơ và phí/ lệ phí tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam:

Bước 2: Thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu

Sau khi Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký sẽ bước vào giai đoạn thẩm định hình thức nhãn hiệu.

Thời gian thẩm định: 1-2 tháng kể từ ngày nộp đơn.

Thời hạn công bố đơn trên Công báo của Cục sở hữu trí tuệ: 02 tháng

Bước 3: Thẩm định nội dung đơn đăng ký 

Việc thẩm định nội dung được tiến hành khi đơn đã được chấp nhận hình thức và đã nộp đầy đủ phí/lệ phí theo quy định của pháp luật. 

Thời gian thẩm định nội dung: 9-12 tháng.

Bước 4: Thông báo cấp/từ chối cấp văn bằng

Sau thời gian thẩm định nội dung, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và ghi rõ lý do.

Bước 5: Nộp phí/lệ phí cấp văn bằng 

Sau khi có thông báo dự định cấp văn bằng, người nộp đơn nộp lệ phí cấp văn bằng nhãn hiệu.

Cục Sở hữu trí tuệ cấp và công bố Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho chủ sở hữu trong thời gian 1-2 tháng kể từ ngày nộp lệ phí.

Đăng ký nhãn hiệu mất bao lâu 

Các giai đoạn đăng ký nhãn hiệu:

Thẩm định hình thức 

Căn cứ tại Điểm 13 Mục 1 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 05/2013/TT-BKHCN quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu quy định thì thời hạn thẩm định hình thức đơn là 1 tháng kể từ ngày nộp đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 119 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Công bố đơn hợp lệ

Theo quy định tại Điểm 14 Mục 1 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN được được sửa đổi bởi Khoản 13 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN thì đơn Đăng ký Nhãn hiệu sẽ được công bố trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ.

Thẩm định nội dung 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 119 Luật Sở hữu trí tuệ, đối với nhãn hiệu được thẩm định nội dung trong thời hạn 6 tháng.

Ngoài ra, theo quy định tại Điểm 15 Mục 1 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 05/2013/TT-BKHCN thì trường hợp người nộp đơn chủ động yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn, hoặc phản hồi thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ thì thời hạn được kéo dài thêm 3 tháng đối với đăng ký nhãn hiệu.

Như vậy, thời gian thẩm định nội dung kéo dài trong thời hạn 9 tháng kể từ sau thời điểm công báo đơn.

Cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu 

Sau 1-2 tháng kể từ ngày nộp đủ lệ phí cấp văn bằng, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho chủ sở hữu. 

Như vậy, tổng thời gian đăng ký nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ là 13 -14 tháng tính từ ngày nộp đơn. Tuy nhiên, trên thực tế tổng thời gian cho việc đăng ký nhãn hiệu thường kéo dài từ 18 – 20 tháng kể từ khi nộp đơn.

Đăng ký nhãn hiệu sản phẩm

Đăng ký nhãn hiệu sản phẩm

Vì sao nên đăng ký Nhãn hiệu sản phẩm

Mục đích chính là tự bảo vệ quyền lợi của mình, ngăn chặn các hành vi vi phạm nhãn hiệu như: sản xuất hàng giả, hàng nhái, tránh nguy cơ bị mất nhãn hiệu do bị người khác đăng ký trước

Về mặt pháp lý: Khi nhãn hiệu được cấp Văn bằng bảo hộ độc quyền với Nhãn hiệu, Chủ sở hữu Nhãn hiệu mới có đầy đủ các Quyền sau:

– Có quyền độc quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt nhãn hiệu sản phẩm.

– Được Pháp luật bảo vệ trước các hành vi xâm phạm quyền thông qua việc sử dụng Nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn của người thứ ba nếu việc sử dụng đó không được Chủ sở hữu cho phép.

– Được thực hiện các hoạt động Maketing quảng bá, giới thiệu sản phẩm mang Nhãn hiệu cho người tiêu dùng

– Có quyền gửi đơn lên Cục Sở hữu trí tuệ để phản đối cấp Văn bằng bảo hộ đối với các Nhãn hiệu của bên thứ ba nếu nhãn hiệu đó trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với Nhãn hiệu đã  được cấp văn bằng bảo hộ.

Về thực tế: Trong quá trình sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa, việc đăng ký Nhãn hiệu sản phẩm sẽ có các lợi ích như

– Góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp.

– Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu sản phẩm là căn cứ xuất trình khi các cơ quan Nhà nước tiến hành kiểm tra, thanh tra hàng hóa;

– Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu sản phẩm là căn cứ Chứng minh Quyền sử dụng Nhãn hiệu là hợp pháp khi bán hàng tại siêu thị/trung tâm thương mại hoặc khi tiến hành Quảng cáo hàng hóa có sử dụng Nhãn hiệu.

Hồ sơ đăng ký Nhãn hiệu sản phẩm

– 02 tờ khai Đăng ký nhãn hiệu theo mẫu:

– 05 Mẫu nhãn sản phẩm kèm theo

– Chứng từ nộp phí và lệ phí đăng ký Nhãn hiệu;

– Bản sao Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh hoặc CCCD đối với cá nhân đăng ký.

– Giấy ủy quyền Đại diện nếu nộp đơn thông qua Tổ chức Đại diện Sở hữu Công nghiệp

Chi phí đăng ký Nhãn hiệu sản phẩm

Tại Mục phí, lệ phí trên tờ khai đăng ký Nhãn hiệu, yêu cầu Người nộp đơn cần liệt đầy đủ đối tượng tính phí (nhóm, sản phẩm) và xác định chính xác số tiền phí, lệ phí phải nộp khi Đăng ký Nhãn hiệu.

Hiện nay, Phí và lệ phí Đăng ký nhãn hiệu (Phí Nhà nước) được Quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Thủ tục đăng ký Nhãn hiệu sản phẩm

Bước 1 : Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu sản phẩm:

Bước 2: Thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu sản phẩm

Bước 3: Công bố đơn đăng ký nhãn hiệu sản phẩm

Bước 4: Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu sản phẩm:

Bước 5: Nhận bản gốc Giấy chứng nhận Đăng ký Nhãn hiệu

Tại sao cần bảo hộ thương hiệu?

Khi đăng ký bảo hộ thương hiệu, thương nhân sẽ được pháp luật bảo vệ; tránh khả năng nhầm lẫn với các thương hiệu của người khác có cùng lĩnh vực với mình; yên tâm hoạt động quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình nhanh nhất tới khách hàng; tránh được các vấn đề tranh chấp, phát sinh trong quá trình sử dụng thương hiệu và đặc biệt có quyền sở hữu độc quyền thương hiệu đó tại vùng lãnh thổ quốc gia đã được đăng ký để có quyền yêu cầu các chủ thể khác xâm phạm, sử dụng thương hiệu giống hoặc tương tự với mình đã được bảo hộ.

Ai có quyền đăng ký bảo hộ thương hiệu?

Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp có quyền làm thủ tục bảo hộ thương hiệu/ đăng ký tên thương hiệu dùng cho hàng hóa hoặc dịch vụ do mình sản xuất hoặc kinh doanh.

Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài khác tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền nộp đơn làm thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu do mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng thương hiệu đó cho sản phẩm tương ứng và không phản đối việc nộp đơn nói trên;

Quy trình đăng ký bảo hộ thương hiệu

Trước khi nộp đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu, người nộp đơn có thể tiến hành tra cứu trên dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ và Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới để đánh giá khả năng cấp văn bằng bảo hộ cho thương hiệu cần đăng ký. Sau khi tra cứu đánh giá thương hiệu có khả năng cấp Văn bằng bảo hộ, người nộp đơn tiến hành đăng ký bảo hộ thương hiệu theo các bước như sau:

Bước 1: Nộp đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ

Bước 2: Thẩm định hình thức đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu

Bước 3: Cục Sở hữu trí tuệ công bố đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu trên Công báo của Cục Sở hữu trí tuệ

Bước 4: Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định nội dung đơn bảo hộ thương hiệu

Bước 5: Thông báo kết quả xét nghiệm nội dung cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ thương hiệu

Thời gian đăng ký bảo hộ thương hiệu

Kể từ khi nộp đơn đến khi có quyết định cấp văn bằng bảo hộ thường kéo dài trong khoảng thời gian từ 15 -18 tháng. Tuy nhiên khi thương hiệu được cấp văn bằng bảo hộ sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm nộp đơn.

Thời hạn bảo hộ thương hiệu là bao lâu?

Tại Việt Nam văn bằng bảo hộ thương hiệu có thời hạn là 10 năm tính từ ngày ngày nộp đơn. Và sẽ được gia hạn liên tục khi hết hạn. Nếu chủ sở hữu thương hiệu liên tục gia hạn văn bằng bảo hộ thì thời hạn bảo hộ của thương hiệu là vĩnh viễn, không giới hạn.

Kết luận

Trên đây là những thông tin cơ bản về quy trình đăng ký nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và xây dựng giá trị thương hiệu không chỉ đảm bảo sự phát triển và tăng trưởng của doanh nghiệp mà còn giúp ngăn chặn việc sao chép và vi phạm nhãn hiệu. 

Nếu bạn đang có ý định đăng ký nhãn hiệu, hãy đảm bảo tìm hiểu kỹ về quy trình và yêu cầu cần thiết. Nếu cảm thấy khó khăn, hãy sử dụng dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp để đảm bảo quy trình diễn ra thuận lợi và hiệu quả. Hơn nữa, sau khi đăng ký nhãn hiệu, thường xuyên theo dõi và bảo vệ nhãn hiệu để đảm bảo không có vi phạm và mất mát quyền sở hữu trí tuệ.

Với quyền sở hữu nhãn hiệu và giá trị thương hiệu vững mạnh, doanh nghiệp của bạn sẽ có cơ hội phát triển và tạo dựng lòng tin của khách hàng. Hãy khám phá thêm về đăng ký nhãn hiệu và bắt đầu bảo vệ quyền sở hữu cũng như xây dựng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp của bạn ngay hôm nay.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn
On Key

Related Posts